✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 17,1-9).
1 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao.2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người.4 Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! “6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất.7 Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ! “8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi. 9 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”
Bài 1: Thập Giá Và Vinh Quang
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Ca dao tục ngữ có câu:
“Có vất vả mới thanh nhàn, không dưng ai dễ cầm tàn che cho”
Trong cuộc sống, mỗi khi nói đến những vất vả, gian khổ và thử thách, chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều có những trải nghiệm riêng cho mình và không ai giống ai. Và một điều chắc chắn là ai cũng muốn bản thân và gia đình mình luôn được an bình, hạnh phúc chứ không ai muốn gia đình mình suốt ngày phải long đong lận đận, trải qua hết trắc trở này đến thử thách khác.Tôi nói vậy, không biết có đúng không quý cụ, ông bà và anh chị em? Thế nhưng cuộc sống đôi khi lại không giống cuộc đời, ước mong thì vẫn mãi là mong ước, vì hàng ngày chúng ta vẫn phải đối diện và trải qua không thử thách này thì khó khăn khác. Và khi gặp phải những thử thách, khó khăn, gian khổ chúng ta thường dễ rơi vào tâm lý chán nản, không muốn đối diện, thậm chí đôi khi là bỏ cuộc, thôi thì đến đâu thì đến, đành phó mặc cho số phận. Đó là tâm lý chung của mỗi người chúng ta và cũng là của các môn đệ khi xưa.
Những trang Tin Mừng cho chúng ta thấy: Trên hành trình theo Chúa, mặc dù là những người được Chúa Giêsu tuyển chọn và huấn luyện, được sống với Chúa, lắng nghe Lời Chúa và chứng kiến những việc kỳ diệu Chúa làm, nhưng dường như các môn đệ vẫn còn kém tin, vẫn còn đầy yếu đuối và nhát đảm. Vì thế, khi nghe Chúa Giêsu tiên báo về những gì mình sẽ phải trải qua khi lên Giêrusalem, các môn đệ cảm thấy hoang mang lo lắng về tương lai của mình, mọi dự định và viễn tượng tươi đẹp bỗng chốc tan thành mây khói. Thậm chí trong một phút bồng bột và đầy nhiệt thành, Thánh Phêrô còn can ngăn Chúa “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16, 22). Chính điều này khiến Thánh Phêrô bị Chúa Giêsu cho một bài học nhớ đời: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 23). Nếu chúng ta là Thánh Phêrô, chắc hẳn chúng ta cũng được một phen bẽ bàng với các môn đệ khác, vì mình muốn tốt cho Thầy mà lại bị Thầy quở trách. Mặc dù Chúa quở trách Phêrô nhưng trong thẳm sâu lòng mình Chúa Giêsu thương cảm và thấu suốt hết mọi sự. Cho nên sáu ngày sau, Chúa gọi riêng ba môn đệ thân tín là: ông Phêrô, Gioan và Giacôbê đưa các ông lên núi và biến đổi hình dạng trước mặt các ông như những gì chúng ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.
Khi chứng kiến cảnh Chúa Giêsu biến hình, các ông sửng sốt, ngây ngất và thích thú vô cùng. Bởi vậy, các ông không muốn rời khỏi nơi đó và muốn chiêm ngưỡng vinh quang này mãi. Điều này thể hiện qua lời thỉnh nguyện của Thánh Phêrô muốn ở lại và làm ba cái lều cho Chúa Giêsu cũng như cho ông Môsê và ông Êlia. Có thể nói, với lòng nhiệt thành của mình, một lần nữa Thánh Phêrô đã ngỏ lời với Chúa Giêsu, ngài nói nhưng không biết mình nói gì. Và không như lần trước, lần này Chúa Giêsu không có quở trách gì Phêrô, Chúa đánh thức, an ủi và mời gọi các ông “chỗi dậy đi, đừng sợ”, trở về với thực tại, xuống núi tiếp tục cuộc hành trình còn đầy dang dở phía trước.
Như vậy, qua những gì đã chứng kiến nơi cuộc biến hình trong chốc lát, các môn đệ được chiêm ngắm trước vinh quang Phục Sinh mà Chúa tỏ cho các ông như một cách Chúa Giêsu mạc khải căn tính đích thực của Ngài, đồng thời an ủi, khích lệ tinh thần các ông, giúp các ông trở nên can đảm và vững tin hơn, tiếp tục hành trình theo Thầy Chí Thánh của mình. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu cũng muốn nhắc nhở các ông: để đi tới hạnh phúc không có cách nào khác là phải trải qua đau khổ, muốn đi tới vinh quang phải trải qua thập giá. Đó là con đường Đức Giêsu đã chọn và đã đi. Và cũng là con đường của các Tông đồ cũng như các kitô hữu phải trải qua.
Và điều này đã được chính Tổ phụ Abraham trải nghiệm một cách thiết thực và sống động trong hành trình đức tin của mình. Như trong Bài đọc I: Thiên Chúa đã đến ngỏ lời và mời gọi Abraham hãy rời bỏ đất nước, họ hàng và quê cha đất tổ để đi tới miền đất Thiên Chúa hứa và chỉ cho. Trong khi đó ông Abraham và bà Sara đã đến tuổi mà người ta gọi là gần đất xa trời mà chưa có mụn con nào. Hai ông bà đang sống trong cảnh hàn vy, yên ổn của tuổi xế chiều. Đứng trước tình cảnh tiến thoái lưỡng nan đó, ông đã phải hết sức đắn đo và suy nghĩ. Nếu đi thì sẽ đi đâu, tương lai, cuộc đời cũng như gia đình mình sẽ như thế nào?. Nhưng nhờ vào lòng can đảm và đức tin mạnh mẽ, Abraham đã vâng lời Thiên Chúa và ông đã ra đi. Chính vì điều đó mà ông đã được Thiên Chúa chúc phúc và làm cho tương lai của ông trở nên huy hoàng và vững chắc.
Đó là những thử thách và gian khó mà các môn đệ cũng như Tổ Phụ Abraham đã phải trải qua khi xưa. Vậy còn mỗi người chúng ta? Là những Kitô hữu, liệu rằng trước những khó khăn và thử thách, sóng gió của cuộc đời chúng ta có dám đón nhận, đối diện với nó và hơn nữa, chúng ta còn đủ lòng tin tưởng, cậy trông vào Thiên Chúa nữa chăng? Hay chúng ta cũng lại như Thánh Phê-rô và các môn đệ khi xưa, muốn an nhàn, bình an ở lại trên núi để tận hưởng những giây phút hạnh phúc, vinh quang? Hoặc giả như Tổ Phụ Abraham đã không đón nhận và chấp nhận thánh ý Thiên Chúa, liệu rằng lịch sử cứu độ của Thiên Chúa có được tiếp diễn một cách trọn vẹn?
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, chúng ta đang sống trong những giây phút của Mùa Chay Thánh, mùa của hoán cải và cũng là mùa của khởi đầu mới. Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng nhau, chiêm ngắm, cảm nghiệm và đi lại con đường xưa Chúa đã đi. Lời Chúa tuần trước mời gọi chúng ta đi vào sa mạc ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, hầu chống trả và đứng vững trước những cám dỗ của ba thù. Không dừng lại ở đó, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta dấn bước hơn nữa. Đó là đón nhận và vác lấy thập giá theo bậc sống, môi trường sống và làm việc của mình. Thập giá ấy có thể là những khó khăn, vất vả trong cuộc mưu sinh, thập giá của bệnh tật, thập giá của gia đình, thập giá của học hành, hay thập giá của những nghi kỵ, hiểu lầm, vu khống … và biết bao những thập giá nhỏ bé, không tên nhưng không kém phần nặng nề. Hơn nữa, mỗi người còn được mời gọi ghé vai vác đỡ thập giá với những người thân cận và anh chị em xung quanh mình đang còn nhiều đau khổ. Có như vậy, chúng ta mới có thể trở nên xứng đáng là “con yêu dấu” của Chúa Cha và đạt tới vinh quang Phục sinh như Chúa Giêsu.
Ước chi qua việc lắng nghe Lời Chúa, và đặc biệt là qua Bí tích Thánh Thể mà ít phút nữa đây chúng ta được tiếp rước trở nên thần lương và là nguồn trợ lực vô giá cho chúng ta trước những nghịch cảnh, khó khăn, gian khổ và thập giá trong đời sống đức tin cũng như đời sống thường nhật. Ước gì được như vậy!
Giuse Trần Hữu Sức – KXXI ĐCV Thánh Giuse Hà Nội
Bài 2: Theo Chúa Đến Núi Ta-Bor
Chúa Nhật I Mùa Chay vừa qua chúng ta lựa chọn từ bỏ ma quỷ để đi theo Chúa. Trong Chúa Nhật II Mùa Chay hôm nay, Lời Chúa mời chúng ta hành trình đi theo Chúa: Như tổ phụ Ab-ra-ham, như ba Tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê, và Gio-an. Nhất là trong bài Tin Mừng cho thấy nếu ta dám bước đi trên hành trình theo Chúa bằng con đường thập giá thì sẽ được cùng Người đi đến vinh quang.
Hành trình theo Chúa
Sách Sáng thế, đã dành 11 chương đầu để trình thuật lại việc Thiên Chúa tạo dựng loài người, ban cho loài người một cuộc sống hạnh phúc, nhưng loài người đã chọn lựa sai và phạm tội nên bị đuổi ra khỏi nơi hạnh phúc đó, và tội tiếp tục lan tràn, hậu quả của tội cứ thế bành trướng, hầu như vô phương cứu chữa. Nhưng từ chương 12, một tia sáng hy vọng loé lên: Thiên Chúa nhớ đến loài người, Người chọn tổ phụ Ab-ra-ham để thực hiện chương trình đưa loài người trở về hạnh phúc ban đầu. Tổ phụ Ab-ra-ham đang sống ở thành Ur, một cuộc sống an cư lạc nghiệp cùng với bà con, với tài sản đủ cho cuộc sống. Thiên Chúa hiện ra với ông và bảo ông bỏ hầu hết những thứ đó để ra đi. Cuộc hành trình này rất phiêu lưu vì Chúa chưa cho biết ông sẽ đi tới đâu. Ông chỉ cần phó thác đi theo sự chỉ dẫn của Chúa: “Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi quê quán ngươi, đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1).
Để đi theo tiếng Chúa gọi, Ab-ra-ham đã phải bỏ quê hương và những người thân. Muốn đi theo Chúa, các môn đệ phải “từ bỏ mình và vác thập giá hàng ngày” Để đi loan báo Tin Mừng, các tông đồ phải chịu biết bao khó khăn gian khổ. Họ đã bỏ rất nhiều. Bù lại họ được gì? Ab-ra-ham nhận được Lời Chúa hứa ban cho một dòng dõi đông đảo, các môn đệ được Đức Giê-su cho thoáng thấy vinh quang ở cuối cuộc hành trình, và người tông đồ được hứa “tên các con được ghi trong sổ trời”. Tin theo những lời hứa về một tương lai xa vời như thế đúng là mạo hiểm. Thông thường, người khôn ngoan không nên mạo hiểm, thà giữ lấy cái hiện tại tuy bình thường nhưng chắc chắn, còn hơn bỏ nó để theo đuổi một tương lai chỉ mới có trong lời hứa. Nhưng đó là lối cư xử giữa loài người với nhau vì loài người thì rất khó tin. Nhưng đối với Thiên Chúa thì rất đáng để mạo hiểm như vậy, vì đã có nhiều bằng chứng cho thấy lòng trung tín thực hiện lời hứa của Người. Hơn nữa, Người có kêu gọi chúng ta từ bỏ để phiêu lưu theo Người cũng chỉ vì Người muốn đưa chúng ta trở về hạnh phúc thuở ban đầu mà thôi. Thực ra, phiêu lưu theo Chúa không phải là phiêu lưu, chỉ cần có đức tin vào lòng trung tín của Chúa là có bảo đảm. Rất nhiều người đã dám phiêu lưu như vậy: Ab-ra-ham (2 lần : Bỏ quê hương, giết con một), Đức Ma-ri-a (khi thưa vâng với Thiên thần), các môn đệ (lập tức bỏ thuyền, bỏ lưới và gia đình để theo Đức Giê-su).
Biến cố biến hình và hấp hối của Chúa
Linh mục Mark Link (trong quyển Sunday homilies, Year A) đã so sánh việc Chúa Giê-su biến hình và việc Người hấp hối. Cả hai việc cùng diễn ra trên núi: Biến hình trên núi Ta-bor, hấp hối trên núi Cây Dầu. Ở hai nơi, Đức Giê-su đều biến hình: Trên núi Ta-bor Người biến từ hình dáng loài người thành hình dáng Thiên Chúa; trên núi Cây Dầu, từ hình dáng Thiên Chúa vinh quang thành hình dáng con người yếu đuối. Hai việc biến hình đều xảy ra lúc Đức Giê-su đang cầu nguyện. Và cả hai biến cố nầy đều xảy ra trước mắt ba nhân chứng Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Dáng vẻ yếu đuối của Đức Giê-su là hình ảnh của A-đam cũ, còn dáng vẻ uy nghi sáng láng là hình ảnh của A-đam mới.
Thân phận của chúng ta cũng thế: Có những lúc chúng ta sốt sắng như Đức Giê-su trên núi Ta-bor. Khi ấy chúng ta cảm thấy mến Chúa yêu người, chúng ta muốn ở lại mãi trong tình trạng sốt sắng đó. Nhưng rồi lại có lúc chúng ta suy sụp trầm trọng, như đang ở núi Cây Dầu. Khi ấy phần A-đam cũ trong ta nổi dậy mãnh liệt. Chúng ta cảm thấy chán nản, không ai thương mình và mình cũng chẳng muốn thương ai. Hình như, Thiên Chúa cũng xa lánh mình. Nhưng có một chi tiết quan trọng là Đức Giê-su đã luôn cầu nguyện trong cả hai biến cố đó. Chính sự cầu nguyện đã liên kết thống nhất hai phương diện ngược hẳn nhau trong cùng một con người của Người.
Bài học áp dụng qua biến cố Hiển Dung
Như vậy, Chúa Giê-su hiển dung là để củng cố đức tin của các môn đệ. Bởi vì, Chúa thấy các môn đệ quá sợ đau khổ, không chấp nhận cuộc khổ nạn của Người, nên Chúa đã hé mở vinh quang của Nước Thiên Chúa cho các ông thấy để đem lại cho các ông một niềm tin và một hy vọng vào ngày mai. Do đó, việc Chúa hiển dung cũng dạy bảo cho các môn đệ biết: phải trải qua đau khổ rồi mới vào vinh quang. Chính Thầy của các ông là Con Thiên Chúa, mà còn phải chịu đau khổ mới bước đến vinh quang thì các ông cũng phải đi theo con đường đó: không thể đến cõi hằng sống mà không phải qua đau khổ, thử thách. Sống ở đời, không ai trong chúng ta tránh được những đau khổ mà ta gọi là những thánh giá mà Chúa muốn chúng ta vác. Dù trong bậc nào vẫn phải vác thánh giá của mình. Ngay chính lúc này, mỗi người chúng ta đều cảm thấy những lo âu, những buồn phiền, những khổ đau… Tất cả đều là thánh giá. Nếu biết vác cho nên, với một thái độ khiêm nhường, với lòng cậy tin, thì Chúa sẽ ở bên chúng ta, và sẽ thưởng công cho chúng ta. Những công phúc tuy vô hình, chúng ta không trông thấy, nhưng chúng sẽ là những hạt men, những hạt giống sẽ nở ra trong đời sau và trong thế hệ con cháu chúng ta.
Trong mùa chay thánh thiện này, Chúa Giê-su đã biến hình sáng láng để nêu gương cho chúng ta, để chúng ta cũng biết biến hình đổi dạng như thế: biến đổi từ con người tối tăm tội lỗi, nên con người tươi sáng hoàn hảo; biến đổi từ con người ích kỷ tham lam thành người sẵn sàng thương yêu giúp đỡ mọi người; biến đổi từ một con người thích được hầu hạ thành con người biết phục vụ người khác; biến đổi từ một con người khó ưa khó gần thành một con người vui tươi dễ mến; biến đổi từ một con người lười biếng ham chơi thành người chịu thương chịu khó; biến đổi từ một người kiêu căng tự đắc thành người khiêm nhu luôn tin tưởng trông cậy phó thác vào Chúa. Amen.
Vô Danh